Bài nào hay hơn, ý nghĩa hơn

 

Bài 1

Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc,
bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,
cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
súng ngoài xa chen khúc quân hành ca,
đường vinh quang xây xác quân thù,
thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu,
vì nhân dân chiến đấu không ngừng,tiến mau ra sa trường.
Tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền

Bài 2

Này Công Dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai Quốc Dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho phơi thây trên gươm giáo,
Thù nước, lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người Công Dân luôn vững bền tâm trí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!
Công Dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công Dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng!

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Bùi Thị Minh Hằng từ chối đóng góp “quỹ an ninh quốc phòng”

nguồn : http://www.chuacuuthe.com/archives/31356

Đăng bởi cheoreo lúc 4:22 Sáng 13/05/12

VRNs (13.05.2012) – Vũng Tàu – Ngày 11/5/2012, chị Bùi Thị Minh Hằng, người vừa “trở về từ hang sói” được Tổ trưởng khu phố nơi chị sinh sống (phường 4, TP. Vũng Tàu) đến nhà đề nghị đóng góp tiền cho “quỹ an ninh quốc phòng”. Chị đã thẳng thừng từ chối vì quỹ này không được sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, việc làm của chính quyền địa phương đối với chị thời gian qua, kể từ khi chị bị bắt cóc vào Cơ sở giáo dục Thanh Hà khiến chị hoài nghi về tính chính danh của cơ quan này.

VRNs xin giới thiệu toàn văn “Thư ngỏ gửi chính quyền phường 4, Tp. Vũng Tàu” của chị Bùi Thị Minh Hằng

Kính gửi: – UBND phường 4, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đồng kính gửi: – Các vị lãnh đạo, nhân dân và đồng bào cả nước

Tôi – tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng – công dân phường 4, địa chỉ: 106 Lê Hồng Phong, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Hôm nay, ngày 11/5/2012, tôi được Tổ trưởng khu phố đến nhà đề nghị đóng góp tiền cho quỹ an ninh quốc phòng. Việc này, tôi và những người dân phường 4 vẫn cặm cụi đóng góp trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau khi chính bản thân tôi trở về từ Cơ sở giáo dục Thanh Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) hôm 29/4/2012, sau 5 tháng trong tình cảnh bị cưỡng ép, áp giải, xích chân tay chỉ vì lý do tôi đã từ chối ra khỏi trại với mong muốn pháp luật nghiêm minh và phải trả lại công bằng cho tôi qua các đơn kiện, khiếu nại đối với quyết định 5225/UB- TPHN trước đó. Vì vậy, tôi đã từ chối đóng góp vào quỹ an ninh quốc phòng, đồng thời tôi cũng có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ với chính quyền và người dân phường 4, thành phố Vũng Tàu. Lý do:

Quỹ “an ninh quốc phòng” theo tên gọi của nó và cách hiểu của người dân chúng tôi là để dùng vào mục đích bảo vệ tổ quốc, bảo vệ người dân của mình. Tuy nhiên, người dân chúng tôi không được biết số tiền trên phân bổ cụ thể ra sao, bảo vệ quốc phòng thế nào? Trong khi những ngư dân, đồng bào tôi bị tàu Trung Quốc sách nhiễu, bắt giữ, đánh đập ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thậm chí ngay gần vùng biển Vũng Tàu, thuộc lãnh hải Việt Nam. Vậy những quỹ như thế này hoặc tương tự thế này được dùng vào đâu? Chính bản thân tôi cũng không được chính quyền địa phương lên tiếng bảo vệ trước những oan sai, ngay trên quê hương đất nước mình.

Trước đó, khi UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định 5225 đối với tôi – một công dân phường 4, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã bị cưỡng bức, ép buộc thô bạo đưa vào cơ sở giáo dục Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một quyết định sai trái, không tuân theo thủ tục pháp lý và pháp luật. Tôi không hề gây rối trật tự công cộng mà tôi đang thực hiện những quyền cơ bản của tôi được hiến pháp cũng như công ước về quyền dân sự được Liên Hiệp Quốc quy định và Việt Nam đã tham gia cam kết. Tôi cũng không phải người vô gia cư để họ có thể áp đặt cho tôi theo cách tùy tiện với quyết định đó. Lúc họ bắt tôi tại Sài Gòn giống như tôi bị bắt cóc, không cần có sự có mặt của chính quyền địa phương, nhưng khi trả về họ lại yêu cầu chính quyền địa phương tiếp nhận và làm chứng.

Vậy, trước việc đó của chính quyền Hà Nội, UBND phường 4, thành phố Vũng Tàu đã làm gì để bảo vệ công dân mình?

Thực tế đã chứng minh:

Trong thời gian từ năm 1994 đến nay, là một công dân sinh sống trên địa bàn phường 4, tất cả những người dân cũng như chính quyền phường 4 đều biết tôi là người có nhiều đóng góp cả về tinh thần lẫn của cải vật chất, cùng với chính quyền địa phương xây dựng cuộc sống với mong muốn làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Cụ thể: Ủng hộ Quỹ y tế phường 4 những chiếc khung tập đi, những đồ dùng, dụng cụ y tế trong bối cảnh đất nước và xã hội trong tình trạng còn nhiều khó khăn; giúp đỡ những gia đình neo đơn, nghèo khó nằm trên phường 4 (ở bên đường Mạc Đĩnh Chi về gạo nước và mọi thứ có thể). Luôn luôn ủng hộ và chia sẻ những khó khăn xảy ra trong địa phương, cho những tổ chức và cá nhân, tất cả những việc đó chính quyền đều biết.

Nhưng nay, tôi thấy chính quyền không làm được những việc mà nhân dân tin tưởng và trông đợi, không có được sự quan tâm đúng mức, bảo vệ công dân của mình. Ngay cả khi tôi bị trả về trong tình trạng trên, cũng không nghe được một tiếng nói, một sự lên tiếng ủng hộ nào từ chính quyền về những việc làm chính nghĩa của mình. Thậm chí, tôi còn được nghe, biết có người đại diện cho chính quyền địa phương vào hùa cùng đài truyền hình Hà Nội trong một loạt phóng sự nhằm để bôi nhọ tôi – một người đang bị giam giữ oan sai, mất khả năng tự bảo vệ mình.

Trước khi tôi được trả về Vũng Tàu, nhà tôi đã từng bị kẻ trộm đột nhập và phá phách nhiều lần. Người thân trong nhà đã phải cố gắng tự bảo vệ mình, trong một lần người nhà tôi tự tay bắt được kẻ trộm giao nộp cho công an phường, sau khi bị hắn cầm gậy tấn công. Nhưng ngay chiều hôm đó, kẻ trộm đã được công an phường 4 thả ra.

Trên đây là những lý do khiến tôi từ chối đóng góp vào quỹ bảo vệ an ninh quốc phòng này.

Nhân đây, tôi cũng nhắn nhủ với đồng bào hãy làm tất cả để đóng góp và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn lên, nhưng chúng ta không thể đóng góp cho những gì không phục vụ cho cộng đồng xã hội mà chỉ phục vụ cho một nhóm thiểu số với những ý đồ riêng.

Kính thư!

Bùi Thị Minh Hằng

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

13 chữ vàng của Thủ tướng

nguồn : QuêChoa (đã bị đánh sập vì bài này)

Trên 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai, đó là thông tin được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 năm (2008-2011). Đất đai chiếm tới 98% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) nhận được hằng năm, thứ trưởng Bộ TNMT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết. Chừng đó thông tin cũng đủ cho thấy vấn đề nóng bỏng nhất là đất đai, dân chúng nhiều bức xúc nhất vẫn là đất đai.

 Điều đó không ai không biết. Vấn đề là làm thế nào để cho đất đai không còn là vấn đề nóng bỏng, nhiều bức xúc? Tại hội nghị nói trên, Thủ tướng cũng đã có câu trả lời trong 13 chữ: “Đề cao trách nhiệm”, “Giải quyết hài hòa”, “ Làm tới nơi tới chốn”. Có thể gọi đó là 13 chữ vàng, xin cảm ơn Thủ tướng.

Tuy nhiên để thực hiện 13 chữ vàng của Thủ tướng không là chuyện đơn giản, khi mà chính sách về đất đai còn quá nhiều bất cập. Nói như  một nhà báo: “Không nên coi một chính sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm qua là không có gì sai.” Khi mà quyền lợi của người nông dân không thể dung hòa với quyền lợi của các đại gia. Khi mà, nói như giáo sư Tương Lai, “ luật đất đai, nhân danh sở hữu toàn dân, nhưng lại giao quyền sỡ hữu toàn dân đó, giao cái quốc gia công thổ đó cho chính quyền địa phương. Một ông lãnh đạo xã cũng có thể trở thành Nhà nước để quyết định sở hữu toàn dân đó.” Trong khi Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển thì nhận định: “Việc giải quyết khiếu kiện đòi hỏi phải có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên nghiệp, nhưng hiện nay cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ hiểu biết pháp luật đất đai còn thấp.”

Sự bất cập dễ thấy nhất là ở chính sách bồi thường. Với một tỉ lệ 1/15, 1/20 lần, thậm chí cao hơn nhiều, giữa giá bồi thường và giá bán ra thì đến Phật cũng nổi đóa, đừng nói đến người dân. Chính tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thừa nhận:“Có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bồi thường và giá thị trường hoặc giá bán của nhà đầu tư bán, chuyển nhượng lại cho người khác .” Giải quyết hài hòa vấn đề này khi và chỉ khi chúng ta  khẳng định: đất là của dân và chính quyền là của dân chứ không phải của các đại gia. Nếu thiếu một trong hai điều đó tất nhiên sẽ không thể “ giải quyết hài hòa”, càng không thể buộc chính quyền  “đề cao trách nhiệm”, “ làm tới nơi tới chốn” như Thủ tướng mong muốn.

Đối với các đại gia, nói như Mác, khi lợi nhuận lên tới 100% thì dù có treo cổ họ cũng cứ làm. Nếu coi đất không thực sự của dân  xin đừng baỏ chính quyền  đứng ra bảo vệ quyền lợi của dân, vì đó là sự bảo vệ vô duyên và vô lý. Huống hồ miếng mỡ 100% lợi nhuận thơm đến mức khó lòng một ông chính quyền nào nhịn được. Khi đó ý niệm mông lung của “sở hữu toàn dân” sẽ  nhanh chóng được cụ thể hóa bằng việc coi đất đai là của chính quyền sở tại. Từ các cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Văn Giang người ta dễ nhận ra sự lúng túng của các nhà quản lý: một mặt họ phải chứng tỏ họ là công bộc của dân, mặt khác họ phải cho dân biết đất đai là của họ, quyền định giá đất đai là của họ chứ không phải ai khác.

Bảo rằng dân là ông chủ trong khi đất đai không phải của họ, vì thế mới có hai chữ “thu hồi”, tấn bi hài ông chủ ở nhờ nhà đày tớ là ở chỗ này đây. Cho nên để giải quyết tấn bi hài này chỉ có cách đặt lại câu hỏi đất của ai một cách rõ ràng minh bạch nhất. Nếu đất của dân thì  13 chữ vàng của Thủ tướng mới thực sự có lợi cho dân, ngược lại thì các đại gia hưởng lợi.

Bao giờ đất đai mới thực sự của dân? Sẽ không bao giờ, nếu như “bộ phận không nhỏ” vẫn khăng khăng cho rằng bỏ sở hữu toàn dân là mất CNXH. Đây mới thực sự là bi kịch nước nhà và hạnh phúc của các đại gia, bởi vì 13 chữ vàng của Thủ tướng đã, đang và sẽ thuộc về họ.

Nguyễn Quang Lập

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Bà Bùi Hằng tâm sự sau khi ra trại

 
Bà Bùi Hằng sau khi được thả (ảnh của blog Nguyễn Xuân Diện)

Bà Hằng là nhân vật được Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quan tâm

Bà Bùi Thị Minh Hằng, người bị chính quyền Hà Nội đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà vì tội gây rối trật tự công cộng, bác bỏ tin tức cho rằng bà được thả vì làm đơn xin nhà nước khoan hồng.

Bà đã được chính quyền trả tự do và về đến nhà chiều Chủ nhật ngày 29/4.

Lý do bà được thả, theo báo An ninh Thủ đô một ngày trước đó, là để thực hiện “chính sách khoan hồng của Nhà nước” nhân kỷ niệm ngày 30/4.

Trong phỏng vấn với BBC từ Vũng Tàu ngày thứ Ba 1/5, bà cho hay năm tháng trong trại Thanh Hà là ‘khoảng thời gian hãi hùng’.

Bùi Thị Minh Hằng: Thực tế đó là một khoảng thời gian rất hãi hùng đối với tôi, kể ra thì nó dài vô cùng. Nhưng phải nói một điều rằng tôi xác định tôi không có tội.

Tôi vẫn tin vào pháp luật cần phải có trong một quốc gia, nhưng quả thật thời gian mà họ giam giữ tôi một cách trái phép cho đến lúc họ thả ra thì tôi mới thấy họ không làm theo luật pháp.

Việc họ thả tôi ra hôm vừa rồi thì ngay đến giờ phút cuối cùng họ vẫn đối xử với tôi hết sức nhẫn tâm.

BBC: Vậy bà được thả ra theo đơn xin khoan hồng của nhà nước?

Không đúng. Tôi nhận được Quyết định miễn thời gian chấp hành còn lại. Gần một tháng trước đó, họ vận động tôi viết đơn xin khoan hồng.

Tôi trả lời là tôi không có tội gì mà viết đơn xin khoan hồng cả. Trong những lá đơn tôi gửi chỉ có đơn khiếu nại và tố cáo thôi.

Tôi khiếu nại Quyết định của UBND thành phố Hà Nội và tôi tố cáo những hành xử sai trái pháp luật trong việc bắt cóc tôi từ Sài Gòn đưa ra và những cư xử đến mức độ tôi phải hủy hoại thân thể và phải nhịn ăn vài ngày trong trại.

Sau đó, họ tiếp tục vận động là do cơ thể tôi quá yếu, vì thời gian tôi tuyệt thực chính thức trong đó chiếm gần hết thời gian tôi ở cơ sở nên tôi sút cân nhiều quá.

“Tôi trả lời là tôi không có tội gì mà viết đơn xin khoan hồng cả. Trong những lá đơn tôi gửi chỉ có đơn khiếu nại và tố cáo thôi.”

Bà Bùi Thị Minh Hằng

Tôi cho rằng họ không coi trọng tính mạng của tôi. Mặc dù tôi tuyệt thực rất nhiều lần, nhưng họ không có động tĩnh gì.

Đến khi biết rằng từ bên ngoài, sức đấu tranh của quần chúng rất cao, cộng với không chịu được cách hành xử của họ, ở trong đó tôi đã một lần rạch chân rạch tay, do vậy họ bắt đầu có động thái.

Tuy nhiên, đây không phải là những động thái sửa sai mà là vận động tôi làm đơn xin khoan hồng.

Sau khi tôi không chấp nhận làm đơn xin khoan hồng, họ vận động tôi làm đơn xin đi chữa bệnh.

Rất nhiều đơn khiếu nại, đơn từ tố cáo tôi đã làm trong thời gian ở trong trại nhưng tôi cho rằng có lẽ họ không gửi những đơn từ đó của tôi đi đâu cả.

Vì biết tôi hay làm đơn từ, cho nên khi vào trong trại họ thu giữ hết giấy tờ, sách bút. Và cũng vì vấn đề này mà giữa tôi và cơ sở giam giữ tôi đã xảy ra rất nhiều lần đối đầu.

Tôi cũng làm đơn tố cáo việc quản giáo thu giữ giấy tờ không cho tôi viết vì đây không phải là những việc bị cấm đoán theo quy định.

BBC: Có nhiều bài viết trên báo chí chính thống về bà. Vậy bà có đọc được những bài viết đó không?

Có, tôi có đọc được những bài viết đó.

Trong chỗ chúng tôi ở thì có TV và họ nói là cho đọc báo Pháp luật, nhưng thực tế họ không bao giờ cho chúng tôi đọc một loại báo gì.

Bà Bùi Thị Minh Hằng

Bà Bùi Thị Minh Hằng được biết đến qua việc xuống đường chống Trung Quốc năm 2011

Nhưng khi có những sự kiện như thế, cách họ thông tin là các cán bộ, quản giáo cho những trại viên gần gũi với cán bộ mang vào như một cách truyền tải đến tôi.

Họ gần như dàn xếp một lịch trình để cho tôi và trại viên trong trại được xem những sự kiện như thế.

Gia đình

BBC: Nhiều bài báo đã trích dẫn nhận xét của một số ‘người thân’ của bà, vậy xin bà cho biết nhận xét của mình?

Tôi chưa thể một lúc mà nói hết được. Nhưng tôi tin rằng bằng những hành xử không chính danh của chính quyền thì người dân sẽ tự phân tích điều đó.

Tôi rất tin tưởng vào chính nghĩa. Tôi đã viết ra thành những bài thơ rất đau xót trong những ngày tôi ở trong tù thông qua những lá thư gửi cho con tôi.

Từ những khổ đau như thế, tôi biết phải làm gì và làm gì nhiều hơn nữa để xã hội không còn những cảnh như gia đình tôi, không còn những nỗi đau như của con trai tôi trong những ngày tháng phải bỏ học đi nuôi tôi.

“Từ những khổ đau như thế, tôi biết phải làm gì và làm gì nhiều hơn nữa để xã hội không còn những cảnh như gia đình tôi, không còn những nỗi đau như của con trai tôi trong những ngày tháng phải bỏ học đi nuôi tôi.”

Bà Bùi Thị Minh Hằng

Tôi đã dặn con tôi là “một kẻ làm chó thì ta phải chịu khó để làm người”.

Cho phép tôi không nói sâu hơn về những gì thuộc về cá nhân tôi vì những điều đó tôi đã chịu đựng trong rất nhiều năm qua. Đó là điều mà tôi phải rời xa gia đình để đi tìm cuộc sống ở nơi khác trong cảnh mẹ góa con côi.

Đó là những nỗi đau mà tôi không bao giờ muốn một lần trong đời bởi vì chọn bạn bè thì chúng ta chọn được, người này không tốt ta chọn người khác ta chơi, nhưng không ai chọn được nơi mình sinh ra.

‘Không phải chính trị gia’

BBC: Nhưng xin bà cho biết ý kiến riêng của bà trước sự tin cậy đằng sau những bài báo đó?

Tôi chưa nói đến độ tin cậy mà tôi nói đến độ bỉ ổi bởi vì bản thân tôi không phải là một chính trị gia cũng không phải là nhân vật trong giới kinh tế chính trị ở Việt Nam để họ làm điều đó nhắm vào tôi.

Tôi chỉ là một người rất bình thường từ những áp bức bất công trong xã hội. Những nền tảng duy nhất để chúng tôi đấu tranh là quyền của một người dân trong xã hội có luật pháp, có tôn ti trật tự.

Nhưng họ đã dùng những điều đó để trả thù tôi một cách điên cuồng đến mức tôi cho rằng họ lú lẫn. Đến bây giờ tôi nghĩ rằng họ biết là đã bị phản tác dụng. Bởi vì, từ hai hôm nay trở về đây, rất nhiều người dân từ Sài Gòn, Biên Hoà, Bà Rịa và những người xung quanh đây đến với tôi bằng tình cảm.

Có những anh xe ôm chỉ có mấy trái dừa, những lẵng hoa. Tôi tin là người dân bây giờ đã rất trưởng thành và vững vàng.

‘Sẽ làm sáng tỏ’

BBC: Có nguồn tin cho biết bà có ý định tự vẫn?

Tôi từng có quyết định tự vẫn vì những bức xúc trước hành xử sai trái của chính quyền.

Nhưng trong những cuộc biểu tình tôi đi với bạn bè và chứng kiến cảnh họ đàn áp, bản thân tôi xuất phát là một dân oan, tôi từng nói rằng tôi sẽ tự thiêu nếu nhà nước này đối xử với dân như thế.

“Sau khi ổn định, việc đầu tiên là tôi sẽ cương quyết làm sáng tỏ về sự bắt giữ oan sai và những hành xử đối với tôi trong thời gian bị chính quyền giam giữ.”

Bà Bùi Thị Minh Hằng

Cho đến giờ phút này, tôi đang dồn tâm huyết để viết lá thư cho chủ tịch nước và tổng bí thư rằng người dân trong chế độ hiện nay bị quá nhiều áp bức và chịu quá nhiều bất công đến mức không thể chịu đựng nổi.

Và nếu nhà nước không có được những động thái gần dân, vì dân, hoặc khắc phục những điều này thì tôi sẽ hiến tấm thân của tôi cho dân oan nhưng duy nhất tôi chỉ giữ ý định chọn cái chết là tự thiêu. Ngoài ra, nếu như có bất cứ sự kiện gì khác xảy đến với tôi thì đấy là sự tấn công từ bên ngoài.

BBC: Xin bà cho biết ý định của bà trong thời gian tới?

Tôi sẽ dành thời gian nghỉ ngơi trong vòng 10-15 ngày để lấy lại sức khoẻ vì bản thân tôi đã sút trên 15 kg từ lúc vào trại đến lúc về, cộng với rất nhiều vấn đề xảy đến gia đình và con cái tôi.

Hiện nay, tôi vẫn còn một cháu phải bỏ học giữa chừng để đi nuôi mẹ bị bắt. Trước mắt tôi khắc phục những việc của cá nhân tôi.

Sau khi ổn định, việc đầu tiên là tôi sẽ cương quyết làm sáng tỏ về sự bắt giữ oan sai và những hành xử đối với tôi trong thời gian bị chính quyền giam giữ.

nguồn :http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120501_buihang_bbc_iv.shtml

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Tâm sự của một Công An

Tôi biết là trong toàn bộ ngành tư pháp, cảnh sát là đen tối nhất. Vậy thì điều tra vụ nào đây? Có rất ít trường hợp trong sạch! Giả mạo chứng cứ, những lời thú tội giả mạo, sử dụng tra tấn để buộc nhận tội, tất cả mọi chuyện đó rất bình thường.

Trước khi bắt đầu quy trình pháp lý, cảnh sát đã quyết định vụ việc. Một số lời kết tội được đưa ra từ mệnh lệnh của cấp cao hơn, một số được thực hiện sau khi thanh toán các khoản hối lộ. [Anh] làm việc cho bất cứ ai trả tiền cho anh, đó là luật bất thành văn.

Trong một số trường hợp, tôi đã bí mật nói với các luật sư trung thực: “Vụ án đã được quyết định, hãy bỏ đi”.

Cảnh sát không quan tâm đến luật pháp, không quan tâm đến đúng hay sai, mà họ chỉ lắng nghe quyền lực và tiền bạc.

Hệ thống cảnh sát đang vi phạm pháp luật, trong khi nhận thức đầy đủ về luật pháp, đó là một bản án tử hình. Họ đã làm quá nhiều điều tội lỗi trong những năm gần đây.

Những người tại văn phòng của chúng tôi đã bị sốc bởi sự tàn bạo và đen tối của việc đấu đá nội bộ. Các phương pháp mà họ sử dụng còn tồi tệ hơn cả mafia.

Bây giờ tôi có thể nhìn thấy rõ ràng là: khi mọi chuyện tốt đẹp thì ok [để thực hiện những hành động xấu xa], nhưng khi có chuyện xảy ra thì mọi người sẽ đẩy trách nhiệm [cho người khác]. Là cảnh sát nên chúng tôi là những người đầu tiên bị đưa lên bàn chém trước, bởi vì chúng tôi là những người thực hiện các mệnh lệnh [của cấp trên].

Vậy thì ai sẽ là người lên tiếng cho các bạn? Ai sẽ bảo vệ các bạn?

Nếu các quan chức cấp cao của tôi bắt đầu đấu đá, tôi có thể dựa vào ai? Tôi nghe nói rằng tất cả các quan chức lớn đều có hộ chiếu nước ngoài, nên họ có thể trốn thoát! Còn chúng tôi [những viên chức quèn] thì có thể chạy đi đâu?

Khi sự tức giận và bất bình của công chúng quá mạnh, thậm chí tôi cũng không dám mặc đồng phục cảnh sát khi đi bộ trên đường phố với con trai của mình. Tôi luôn nói với con trai tôi: “Đừng nói với người ta rằng cha của con là cảnh sát“, vì tôi lo sợ con tôi sẽ gặp rắc rối.

Bây giờ tôi lo cho sự an toàn của gia đình tôi và sự bình yên trong tâm hồn mình. Tôi có cha mẹ và con cái, và một người vợ. Họ trông cậy vào tôi. Tôi muốn sống cho họ.

Tôi có thể trông cậy vào ai để có được sự an toàn?

Không ai cả!

nguồn : http://anhbasam.wordpress.com

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Cô Tô con ông Rứa
Sao mà cô giỏi rứa?
Một bước thành bà trùm
Nhờ dựa oai ông Rứa?

Cô ôm một đống tiền
Cô sướng như bà tiên
Cô vẫn còn thế mãi
Khi ông Rứa lên tiên? !?

Cô cũng chống diễn biến
Nhưng xã hội phải tiến
Rồi dân sẽ vùng lên
Đuổi lũ gian… phải biến?

Đăng trong bởi hunglaconic | Bình luận về bài viết này

Chuyển đổi ở Myanmar

“Mùa xuân Myanmar” rõ là đang bừng nở nhưng liệu có còn không nguy cơ về một cơn gió lạnh cuối đông có thể làm những đài hoa mới hé lụi tàn? Hướng xuất ngoại đầu tiên của Dow (quý Bà) Aung San Suu Kyi sang Na Uy và Anh quốc vào tháng 6 tới đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhà lãnh đạo đối lập này, một chính khách vừa trúng cử quốc hội, tin tưởng vào tương lai của quá trình dân chủ hóa đất nước Myanmar. Khi Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra lời mời vào tuần trước, bà Suu Kyi thẳng thắn: “Nếu cách đây hai năm, tôi đã nói rằng, cám ơn lời mời, nhưng rất tiếc là tôi không thể nhận lời. Còn giờ đây, tôi lại nói rằng, vâng, có thể tôi sẽ tới Anh quốc, và đó là một tiến triển quan trọng”. Sau 24 năm, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của bà sau hàng chục năm bị giam cầm và quản thúc tại gia. Tháng 12 năm ngoái ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã ngỏ lời mời bà Suu Kyi viếng thăm Hoa Kỳ và theo khẳng định mới đây nhất của bà Clinton, lời mời đó vẫn còn tính thời sự. Và cũng sau 28 năm, lần đầu tiên, một nguyên thủ Myanmar – Tổng thống Thein Sein thăm chính thức Nhật Bản từ 20-24 tháng này và Tổng thống Sein sẽ có cuộc họp thượng đỉnh song phương với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Hai bên sẽ kết thúc hồ sơ về viện trợ phát triển của Nhật cho Miến. Ông Sien cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Nhật Bản – Mekong, diễn ra cùng ngày. Một nguồn tin ngoại giao châu Âu vừa cho biết EU “đã đồng ý về nguyên tắc” việc tạm ngưng các biện pháp trừng phạt kinh tế Myanmar trong vòng một năm. Tuy nhiên Bruxelles vẫn duy trì cấm vận vũ khí đối với quốc gia này. Theo giới quan sát, đây là những bước tiến quan trọng trong việc chấm dứt các biện pháp nhằm cô lập Myanmar mà cộng đồng quốc tế đã áp đặt từ nhiều năm qua. Dân tộc này sẽ hết trầm luân? Bàn tay tế độ duy nhất của (Dow) Suu Kyi có đủ để cứu vớt Myanmar ra khỏi bể trầm luân? Bà Suu Kyi đã cố giữ không cho các đảng viên của mình quá hăng say men chiến thắng khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành đa số ghế trong bầu cử quốc hội bổ sung vừa qua. Hãy nghe chính lời của quý Phu nhân: “Các đảng viên NLD và người ủng hộ hân hoan vào lúc này là điều bình thường. Tuy nhiên, phải tránh hoàn toàn những phát biểu, cách xử sự và hành động có thể gây tổn hại và phiền muộn cho những đảng phái khác cùng người dân. Tôi muốn mọi đảng viên NLD phải bảo đảm rằng chiến thắng của nhân dân là một chiến thắng có phẩm giá”. Một giảng viên từ Ðại học Oxford đã làm phép so sánh: nếu bà Suu Kyi là một Nelson Mandela của Á Châu thì phải chăng bà đã gặp được một de Klerk qua Tổng thống Thein Sein. Tiễng vỗ tay chỉ có thể vang lên nếu có hai bàn tay. Hai bàn tay đó được kết nối trong cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai người vào 19/8 năm ngoái và lần thứ hai 11/4 mới đây. Liệu tiếng vỗ tay này còn vang bao xa? Nếu Myanmar tiếp tục con đường dân chủ bằng cách hòa giải thực sự từ bên trong, kết nối thông thoáng với Hoa Kỳ, EU và các nước láng giềng, thay vì để vùng đất đầy nguồn tài nguyên của đất nước cho một mình Trung Quốc khai thác, thì liên bang này sẽ phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, quy tụ được tiểu lục địa Trung-Ấn và Đông Nam Á vào một quần thể năng động. Báo “Nhân Dân”, cơ quan ngôn luận của ĐCS Việt Nam mới đây nghi nhận các động thái của một số quốc gia phương Tây trong quan hệ với Myanmar, đánh giá các động thái đó là sự cổ vũ tiến trình dân chủ ở nước này. Theo tờ “Nhân Dân”, những chuyển biến ở quốc gia sẽ giữ ghế chủ tịch ASEAN vào năm 2014 đang mở ra giai đoạn phát triển mới không chỉ ở Myanmar mà còn cả trong khu vực ĐNÁ. Tuy đang chứng kiến một giai đoạn đầy hấp dẫn trong bước chuyển đổi của cả một dân tộc, nhưng dư luận không thể không nhìn vào các khía cạnh phức tạp hơn của một đất nước đang bước ra ánh sáng sau bao thế hệ chìm đắm trong cô lập và lạc hậu; hậu quả tất yếu của tệ nạn này là tham nhũng và bị ngoại bang đè đầu cưỡi cổ. Năm nay 66 tuổi, lãnh tụ đối lập có vấn đề về sức khỏe. Không ai biết bà Su Kyi có thể đại diện cho đảng mình vào mùa bầu cử 2015 trong cuộc đấu tranh giành 75% số ghế còn lại trong quốc hội hay không. Nhưng nói chung với đa số người dân Miến, Dow Suu (quý Phu nhân Suu) gần như là một á thánh, và trên đôi vai gầy của á thánh đó đang đè nặng tương lai của cả một dân tộc. Bà Aung San Suu Kyi Chuyển đổi không diễn ra trong một đêm “Khi một hệ thống cần thay đổi, thì không thể làm việc đó chỉ trong một đêm. Một số nước từng cố gắng chuyển đổi trong một đêm đều đã đi xuống.” Đó là phát biểu của chính Tổng thống Sein khi ông nói về tương lai còn trắc ẩn trên con đường tiến tới dân chủ của quốc gia đa chủng tộc này. Myanmar là một vương quốc lớn đã hình thành và phát triển xung quanh thung lũng trung tâm sông Irrawaddy. Tên của thung lũng này trong tiếng của bộ tộc Miến là Myanmar, vì vậy đó cũng là tên chính thức của quốc gia. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số dân Myanmar không phải là người Miến Điện. Khu vực biên giới của người thiểu số chiếm tới 7 trên tổng số 14 bang của Myanmar. Các khu vực xung quanh thung lũng Irrawaddy là nơi cư ngụ của người Chin, Kachin, Shan, Karen và Karenni – những dân tộc có lực lượng quân đội chính quy và bán chính quy. Đất nước có tới 11 nhóm vũ trang và các nhóm này đã từng đánh nhau với lực lượng quốc gia từ đầu Chiến tranh Lạnh. Nhưng vì sao một chế độ quân sự bỗng dưng thay đổi? Theo Ko Ko Gyi, thuộc tổ chức Thế hệ 88, năm diễn ra phong trào nổi dậy của sinh viên, thì “đó là vì lý do kinh tế, với lại Myanmar sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm 2014, và cuối cùng, quốc gia này muốn có những lực lượng khác để đối trọng với Trung Quốc”. Những người hoài nghi cho rằng chính quyền Myanmar đã dùng 45 chiếc ghế đại biểu quốc hội lần này để đổi lấy cảm tình của cộng đồng quốc tế, một cái giá không đắt, và đã thành công. Hoa Kỳ loan báo sẽ giảm nhẹ trừng phạt, còn Liên hiệp châu Âu sẽ công bố chính thức việc này vào ngày 23/4 tới. Liệu với 43 ghế trên tổng số 664 ghế ở quốc hội, đảng NLD của bà Suu Kyi có gây được ảnh hưởng? Làm thế nào để sửa đổi Hiến pháp khi mà phải cần có 75% đại biểu ủng hộ để tránh việc quân đội nắm quyền trở lại trong trường hợp khủng hoảng, và cản trở bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống? Trong khi đó, những người lạc quan lại tin rằng công cuộc cải cách ở Myanmar sẽ bền vững vì có nguồn gốc sâu xa hơn là những lý do kinh tế. Tiến trình này là mắt xích trong hàng loạt các động thái mềm dẻo gần đây như việc làm sống lại Thỏa thuận đóng quân tại Darwin (Australia), đẩy nhanh quá trình hình thành Hiệp định Đối tác xuyền Thái Bình Dương (TPP), nâng cấp hệ thống “các quan hệ đối tác chiến lược” để hỗ trợ các nước nhỏ và vừa trong những cố gắng bảo vệ chủ quyền và lãnh hải trên Biển Đông, cổ vũ tiến trình dân chủ hóa nói chung… Với nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la và dân số 48 triệu người, nếu Mianma có thể quy tụ tất cả các sắc tộc trong những thập kỷ tới, đất nước này có cơ may tiến gần đến việc trở thành một cường quốc trung bình. Điều này không nhất thiết gây tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc, nhưng lại có thể giải phóng thương mại cho toàn châu Á và thế giới Ấn Độ Dương. Dù lạc quan hay hoài nghi, những ngày này, cộng đồng quốc tế đều đặt hy vọng vào sự chuyển đổi mô thức phát triển ở Myanmar. Tuy khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng đáng mừng là bạn đã có đường băng để cất cánh! Đáng lạc quan hơn nữa là trong Tổ Lái của bạn có những người có tâm và có tầm, chứ không chỉ suốt ngày lo đấu đá nội bộ, bỏ khoang lái ra tranh giành chỗ với hành khách (!) Nguyễn Thiều Quang

nguồn : http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/69216/chuyen-doi-o-myanmar–keo-cua-lua-se.html

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Hello world!

Welcome to WordPress.com. After you read this, you should delete and write your own post, with a new title above. Or hit Add New on the left (of the admin dashboard) to start a fresh post.

Here are some suggestions for your first post.

  1. You can find new ideas for what to blog about by reading the Daily Post.
  2. Add PressThis to your browser. It creates a new blog post for you about any interesting  page you read on the web.
  3. Make some changes to this page, and then hit preview on the right. You can alway preview any post or edit you before you share it to the world.
Đăng tải tại Uncategorized | 1 bình luận